Cổng thông tin điện tử tỉnh Lạng Sơn

Thanh tra tỉnh Lạng Sơn

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sử dụng công nghệ cao trong phòng, chống tham nhũng

Mạng lưới Hoạt động thực thi luật chống tham nhũng toàn cầu (GlobE), với sự hỗ trợ của Văn phòng Liên hợp quốc về ma túy và tội phạm đã tổ chức Diễn đàn Cấp cao thu hút khoảng 400 khách mời đến từ 105 quốc gia về hợp tác trong phòng, chống tham nhũng.

Phiên họp toàn thể lần thứ 5 của GlobE. Ảnh: Samifin

Diễn đàn được tổ chức tại Bắc Kinh, Trung Quốc.

Tại diễn đàn, các nước nhất trí đồng thuận trong việc trao đổi thông tin, tham vấn, tăng cường thúc đẩy các biện pháp hỗ trợ pháp lý giữa các nước về phòng chống tham nhũng. Theo diễn đàn, nội tại nguồn lực cơ quan thực thi pháp luật phòng, chống tham nhũng của các nước cũng cần được phân bổ hợp lý.

Trong cam kết tăng cường hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng, diễn đàn kêu gọi các nước tăng cường sử dụng công nghệ cao để phòng chống tham nhũng, nhất là trong thời đại số như hiện nay.

David Oginde, Chủ tịch Uỷ ban Đạo đức và Chống tham nhũng của Kenya cho rằng, tham nhũng trên nền tảng số, với sự phát triển không ngừng của trí tuệ nhân tạo, đã diễn biến ngày càng phức tạp, xuyên biên giới và gây khó khăn khi điều tra.

Theo Oginde, GlobE là địa chỉ tin cậy để chia sẻ ý tưởng, kinh nghiệm và những bài học trong phòng chống tham nhũng và là "nơi các quốc gia học hỏi lẫn nhau về phòng chống tham nhũng xuyên biên giới."

“Trung Quốc có thể giúp các quốc gia đang phát triển sử dụng công nghệ cao để đối phó với tham nhũng trên nền tảng số”, Oginda chia sẻ.

Neil Walsh, Thư ký Điều hành GlobE cho biết tham nhũng trên nền tảng số ngày càng tinh vi, do đó việc tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này là rất quan trọng bởi: “Nếu các nước vẫn sử dụng các biện pháp phòng chống tham nhũng từ những năm 1980, 2000 hoặc 2010 thì sẽ để lọt lưới rất nhiều vụ án”.

Theo Walsh, cần tăng cường hợp tác giữa các quốc gia để nâng cao kỹ năng số, chẳng hạn như kết hợp giữa phân tích Big Data với năng lực điều tra để phát hiện tham nhũng, cách thức và các giao dịch liên quan đến tiền “bẩn”.

Walsh cũng đề cao các chính sách chống tham nhũng của Trung Quốc trong 10 năm qua, và xem đó là “con đường dẫn lối” tham khảo cho các quốc gia khác.

Dữ liệu do Ủy ban Giám sát Quốc gia Trung Quốc công bố cho thấy nước này đã bắt giữ hơn 13.000 người đào tẩu và thu hồi hơn 60 tỷ nhân dân tệ (tương đương 8,56 tỷ đô la Mỹ) tài sản bất hợp pháp từ nước ngoài kể từ năm 2015. Phần lớn các vụ án đều thuộc chiến dịch truy quét nạn tham nhũng Skynet. Ngoài ra, 62/100 tội phạm tài chính bị truy nã gắt gao nhất và có lệnh truy nã đỏ của Interpol cũng đã được dẫn độ về Trung Quốc.

Slagjana Taseva, Viện trưởng Học viện Chống tham nhũng Quốc tế cho biết: “Cách thức phòng chống tham nhũng tại Trung Quốc cho thấy, hợp tác xuyên quốc gia là rất cần thiết và quan trọng”.

Slagjana Taseva hoan nghênh diễn đàn đã tạo cơ hội cho các nước trao đổi ý tưởng phòng chống tham nhũng ngày càng hiệu quả, đồng thời khẳng định "việc hợp tác mang lại cơ hội học hỏi lẫn nhau giữa các quốc gia".

Epiphane Zoro Bi Ballo, Chủ tịch Cơ quan quản lý hàng hóa ở Bờ Biển Ngà cho biết diễn đàn mang lại nhiều bài học về việc thu hồi tài sản bất hợp pháp và đối phó tội phạm kinh tế xuyên biên giới, đồng thời cam kết nước này sẽ thực hiện các thỏa thuận đã thông qua tại diễn đàn.

Mạng lưới GlobE là một cộng đồng toàn cầu có sự tham gia của 219 cơ quan chống tham nhũng từ nhiều quốc gia khác nhau. GlobE là cầu nối thúc đẩy hợp tác xuyên quốc gia giữa các nước về phòng, chống tham nhũng.

Nguồn: thanhtra.com.vn