Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với những định hướng sâu sắc về phát triển văn hóa Lạng Sơn
Tháng 8/2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới thăm, làm việc với Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn. Tại đây, Tổng Bí thư có bài phát biểu với những chỉ đạo quan trọng, sâu sắc, trong đó có định hướng về phát triển văn hóa. Lĩnh hội đầy đủ ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư, ngành văn hóa của tỉnh đã triển khai thực hiện các giải pháp và đạt được kết quả tích cực.
Trong các bài viết, bài phát biểu, bài nói chuyện, trả lời phỏng vấn, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần đề cập đến vai trò của văn hóa đối với sự phát triển của đất nước và khẳng định Đảng, Nhà nước luôn quan tâm xây dựng, phát triển văn hóa song hành với phát triển kinh tế, với mục tiêu nhất quán “xây dựng nền văn hóa Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân – thiện – mĩ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, tính nhân văn, dân chủ và khoa học, làm cho văn hóa phải thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng, bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc”.
Những chỉ đạo, định hướng sâu sắc
Trong suốt cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn đặc biệt quan tâm và dành nhiều tâm huyết cho sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa dân tộc. Trong nhiều lần phát biểu chỉ đạo về vấn đề văn hóa, Tổng Bí Thư khẳng định: “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn...”.
Tỉnh Lạng Sơn được vinh dự đón đồng chí Nguyễn Phú Trọng về thăm và làm việc 3 lần. Lần thứ nhất (năm 2009) trên cương vị là Chủ tịch Quốc hội. Lần thứ hai (năm 2015) và lần thứ ba (năm 2023) trên cương vị Tổng Bí Thư. Trong lần gần đây nhất (8/2023), Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu chỉ đạo, định hướng, gợi mở các vấn đề để Lạng Sơn nghiên cứu, triển khai thực hiện, trong đó có lĩnh vực văn hóa. Đồng chí khái quát: “Lạng Sơn là một vùng đất cửa ngõ “phên giậu”, địa đầu của Tổ quốc, có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời; luôn giữ vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của đất nước...”.
Tổng Bí thư phân tích, chỉ ra những tiềm năng, lợi thế về văn hóa của Lạng Sơn: “Có thể nói không quá rằng, Lạng Sơn là một vùng đất vừa thơ mộng, vừa trữ tình, có nền văn hóa đa dạng, phong phú với những nét đặc trưng riêng hiếm có, vùng đất của lịch sử với gần 400 di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh đặc sắc; là vùng đất của lễ hội, theo thống kê thì Lạng Sơn có đến trên 365 lễ hội dân gian với tính chất, quy mô lớn, nhỏ được tổ chức hằng năm. Còn về lĩnh vực ẩm thực thì Lạng Sơn cũng là vùng đất nổi tiếng với nhiều món ăn mang đậm hương vị đặc sắc của con người vùng núi Đông Bắc đã làm nên thương hiệu cho ẩm thực Xứ Lạng”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng định hướng: “Lạng Sơn cần kết hợp chặt chẽ, hài hòa hơn nữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội; cần khai thác, phát huy những thế mạnh, tiềm năng sẵn có về văn hóa, với tinh thần lấy người dân làm trung tâm để từ đó giải quyết tốt các vấn đề xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân”.
Ông Hoàng Văn Páo, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa tỉnh khẳng định: Những định hướng phát triển văn hóa Lạng Sơn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho thấy sự quan tâm sâu sắc của người đứng đầu Đảng dành cho mảnh đất nơi địa đầu Tổ quốc. Đây là những chỉ đạo có ý nghĩa quan trọng, là kim chỉ nam giúp tỉnh đề ra giải pháp thiết thực, căn bản để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa Lạng Sơn, đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh.
Cụ thể hóa chỉ đạo của Tổng Bí thư
Những nội dung chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc, đặc biệt là sau chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Lạng Sơn được lãnh đạo tỉnh nghiên cứu kỹ lưỡng, triển khai thực hiện một cách đồng bộ với sự quyết tâm, nỗ lực cao nhất trong toàn hệ thống chính trị.
Ông Nguyễn Đặng Ân, Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh cho biết: Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương, đặc biệt là những ý kiến định hướng sâu sắc của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại buổi làm việc với tỉnh Lạng Sơn tháng 8/2023, sở đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch, cụ thể hóa thành các mục tiêu để triển khai; ban hành văn bản chỉ đạo các phòng chuyên môn, đồng thời hướng dẫn các huyện, thành phố đẩy mạnh giáo dục, tuyên truyền sâu rộng nội dung các văn bản pháp luật như: Luật Di sản văn hóa Việt Nam năm 2001 và sửa đổi bổ sung năm 2009; nghị quyết về bảo tồn, phát huy di sản văn hóa của tỉnh cùng nhiều văn bản liên quan khác đến cộng đồng dân cư để người dân hiểu rõ vai trò, trách nhiệm của mình đối với vấn đề bảo tồn di sản văn hóa.
Cùng đó, Sở VHTT&DL cũng tích cực chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tiếp tục triển khai thực hiện tốt 6 đề án trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể như: Đề án “Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay”; Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2030”. Đồng thời, tích cực triển khai thực hiện Dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021 – 2025. Qua đó, đạt nhiều kết quả nổi bật, cụ thể, từ đầu năm 2024 đến nay, đã thành lập và ra mắt 10 câu lạc bộ sinh hoạt văn hoá dân gian tại các xã vùng sâu vùng xa.
Bên cạnh đó, ngành VHTT&DL đã nghiên cứu, xây dựng nhiều kế hoạch nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa Lạng Sơn như Đề án bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích; Kế hoạch thực hiện rà soát, kiểm kê di tích; Kế hoạch thực hiện chương trình nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn Hát Sình Ca, xã Thiện Tân, huyện Hữu Lũng; Kế hoạch xây dựng Đề án bảo tồn, phát huy giá trị di sản – Thực hành Then Tày, Nùng tỉnh Lạng Sơn;…
Cùng đó, công tác xã hội hóa trong hoạt động văn hóa được các cấp, ngành đẩy mạnh triển khai. Qua đó, huy động được cả về nhân lực cũng như vật chất và tài chính của xã hội ủng hộ các hoạt động này. Nổi bật, hoạt động bảo tồn văn hóa phi vật thể ở góc độ lễ hội, trình diễn nghệ thuật truyền thống được thực hiện khá tốt; nhiều làn điệu: sli, then, lượn, xắng cọ, các điệu múa võ dân tộc, múa sư tử mèo… được phục hồi thông qua các câu lạc bộ, các đội văn nghệ quần chúng tại cơ sở.
Hiện nay, trên toàn tỉnh có trên 800 câu lạc bộ, đội văn nghệ quần chúng. Hằng năm tổ chức hoạt động thường xuyên, ước tính trung bình mỗi năm đạt trên 1.500 buổi. Nhiều sự kiện văn hóa, thể thao nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của tỉnh, của đất nước được tổ chức thành công góp phần cổ vũ, động viên các tầng lớp Nhân dân thi đua thực hiện hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Đáng chú ý, nhằm khẳng định những tiềm năng, giá trị mang tầm cỡ quốc tế về di sản địa chất, di sản văn hóa và cảnh quan thiên nhiên..., các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh đã tích cực thực hiện Đề án thành lập, xây dựng và phát triển Công viên địa chất (CVĐC) Lạng Sơn giai đoạn 2021-2025. Trong đó, năm 2024, các cấp, ngành đã tích cực thực hiện chương trình tuyên truyền, xúc tiến quảng bá CVĐC Lạng Sơn; xây dựng và triển khai chương trình giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng về di sản địa chất và CVĐC Lạng Sơn; khoanh vùng bảo vệ di sản địa chất khu vực CVĐC Lạng Sơn. Đến nay, đã hình thành 4 tuyến du lịch với 38 điểm du lịch trong vùng CVĐC Lạng Sơn tại các huyện: Bắc Sơn, Bình Gia, Văn Quan, Hữu Lũng, Chi Lăng, Cao Lộc, Lộc Bình và thành phố Lạng Sơn.
Với những giải pháp thiết thực, công tác bảo tồn, phát huy giá trị DSVH đã có sự thay đổi rõ rệt, người dân được thụ hưởng những “trái ngọt” do văn hóa đem lại, đời sống văn hóa, tinh thần của Nhân dân trên địa bàn tỉnh ngày một nâng lên. Tính đến nay, tỷ lệ xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh có nhà văn hóa đạt 60%; tỷ lệ thôn, tổ dân phố có nhà văn hoá đạt 99,4%; 87% gia đình đạt gia đình văn hóa;...
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn xem văn hóa là một trong những nền tảng quan trọng của đất nước. Tình yêu văn hóa không chỉ là tình cảm cá nhân của Tổng Bí thư mà còn là một chiến lược phát triển đất nước lâu dài và bền vững. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã vĩnh biệt chúng ta, nhưng những quan điểm, tư tưởng của đồng chí, nhất là về văn hóa vẫn còn vẹn nguyên giá trị. Những định hướng của Tổng Bí thư có vai trò quan trọng, tác động lớn đến nhận thức, hành động của chính quyền tỉnh nói chung và ngành văn hóa tỉnh nói riêng. Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai hoàn thiện các chương trình, dự án, đề án về văn hoá, từ đó từng bước xây dựng quê hương Lạng Sơn ngày càng giàu đẹp, văn minh, hạnh phúc.
Nguồn: baolangson.vn