Cổng thông tin điện tử tỉnh Lạng Sơn

Thanh tra tỉnh Lạng Sơn

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Để người tố cáo bị trả thù, trù dập, phải xử lý nghiêm tập thể, cá nhân có liên quan

          Theo Thanh tra Chính phủ, để làm tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, cần tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật; thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC). Thực hiện và trả lời đầy đủ chất vấn của đại biểu Quốc hội, kiến nghị của cử tri cả nước.

https://media.thanhtra.com.vn/public/uploads/2024/10/29/67209164673a5a8dfe0d71c4.jpg?w=1319

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Dương Quốc Huy chủ trì buổi tiếp công dân định kỳ tháng 10/2024. Ảnh: TTCP

          Hiệu quả trong công tác tiếp dân, giải quyết KNTC, giúp ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội

          Trong định hướng Chương trình thanh tra năm 2025, do Thanh tra Chính phủ ban hành ngày 23/10/2024, một trong những nhiệm vụ chủ yếu về công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC là phải tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Kế hoạch số 363/KH-TTCP ngày 20/3/2019 của Thanh tra Chính phủ về kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc KNTC đông người, phức tạp, kéo dài; Kế hoạch 1910/KH-TTCP ngày 29/10/2021 của Thanh tra Chính phủ về rà soát các vụ việc KNTC đông người, phức tạp, kéo dài tại các cơ quan Trung ương theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Phải coi đây là nhiệm vụ thường xuyên để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân, qua đó giải quyết căn bản tình hình KNTC phức tạp, kéo dài nhằm góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội.

            Tiến hành sơ kết và sớm ban hành Báo cáo đánh giá việc thực hiện rà soát lại việc giải quyết đối với các vụ việc KNTC đông người, phức tạp theo chỉ đạo tại Nghị quyết số: 623/NQ- UBTVQH15 ngày 7/10/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về tiếp công dân, giải quyết KNTC.

            Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch UBND cấp tỉnh cần tăng cường chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về tiếp công dân, giải quyết KNTC, trong đó tập trung giải quyết KNTC liên quan đến nhân sự đại hội Đảng các cấp; nghiêm túc thực hiện chế độ tiếp công dân thường xuyên, định kỳ và đột xuất, công khai lịch tiếp công dân trên cổng/trang thông tin điện tử của cơ quan; tăng cường trao đổi, phối hợp giữa các cơ quan ở Trung ương địa phương trong công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC, tạo sự thống nhất trong quá trình xem xét, giải quyết, nhất là đối với những vụ việc đông người, phức tạp, chú trọng giải quyết tố cáo liên quan đến nhân sự bầu cử đại hội Đảng các cấp.

            Chỉ đạo giải quyết kịp thời, dứt điểm, đúng pháp luật các vụ việc KNTC thuộc thẩm quyền, phấn đấu đạt tỷ lệ trên 85%; thực hiện tốt các quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo đã có hiệu lực pháp luật, phấn đấu tỷ lệ trên 90%; xử lý nghiêm đối với tập thể, cá nhân có trách nhiệm trong công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC; bảo vệ người tố cáo không hoàn thành nhiệm vụ, thiếu trách nhiệm để người tố cáo bị trả thù, trù dập; cố tình né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, kéo dài thời gian giải quyết các vụ việc KNTC để công dân khiếu kiện kéo dài, vượt cấp; thực hiện không nghiêm các quyết định, kết luận giải quyết KNTC đã có hiệu lực pháp luật.

            Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tiếp tục rà soát, đánh giá việc thực hiện các chính sách, pháp luật liên quan đến KNTC trong lĩnh vực thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ quản lý để kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước nhằm hạn chế phát sinh KNTC; đồng thời, quan tâm phối hợp, chỉ đạo, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương tháo gỡ vướng mắc trong quá trình giải quyết KNTC, nhất là các vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài.

            Nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ; chú trọng việc sắp xếp, bố trí cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ làm nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết KNTC; công tác hòa giải ở cơ sở gắn với công tác dân vận, đồng thời quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC và thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách đối với cán bộ làm công tác này.

            Tập trung xử lý nghiêm, ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà

            Trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Thanh tra Chính phủ định hướng, thực hiện nghiêm các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng và các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành, nhằm bảo đảm kịp thời, thống nhất và hiệu lực, hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực. Triển khai thực hiện đồng bộ các chủ trương, chính sách về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là các kết luận, chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

            Đồng thời, tiếp tục triển khai thi hành những quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị tại các ngành, lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực; kiểm soát xung đột lợi ích, cơ chế kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực khu vực ngoài Nhà nước... tập trung xử lý nghiêm, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc; bảo vệ người dân phản ánh, tố giác và tích cực đấu tranh chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên.

            Tập trung thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương và cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; kịp thời thanh tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật. Phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ việc tham nhũng, tiêu cực; phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để xử lý trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng, tiêu cực và trong việc chuyển điều tra các vụ việc có dấu hiệu tội phạm tham nhũng, tiêu cực; tăng cường mối quan hệ phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc trao đổi, cung cấp thông tin theo chỉ thị của Bộ Chính trị và Luật Phòng, chống tham nhũng.

            Thực hiện tốt cơ chế phối hợp trong phát hiện, xử lý vụ việc tham nhũng, tiêu cực theo Kết luận số 05-KL/TW ngày 3/6/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW của Bộ Chính trị trong công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng. Đôn đốc việc thực hiện kết luận, chỉ đạo sau thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thực hiện pháp luật phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

            Tăng cường theo dõi, đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên phạm vi cả nước; tiếp tục xây dựng và hoàn thiện bộ tiêu chí theo dõi, đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đối với các bộ, ngành, địa phương; mở rộng hợp tác quốc tế, tương trợ tư pháp, trao đổi thông tin, hỗ trợ kỹ thuật, rà soát và hoàn thiện pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Nguồn:thanhtra.com.vn

ST: NT