Cổng thông tin điện tử tỉnh Lạng Sơn

Thanh tra tỉnh Lạng Sơn

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bảo đảm tính độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ của công tác thanh tra

Tiếp tục phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2022, chiều 17/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thanh tra (sửa đổi). 

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

          Tiếp tục duy trì, củng cố Thanh tra huyện

          Trình bày báo cáo một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, đây là dự án luật có nội dung phức tạp, liên quan đến tổ chức bộ máy và hoạt động thanh tra trong nhiều ngành, lĩnh vực, địa phương, đồng thời có mối quan hệ mật thiết với nhiều luật khác.

          Vì vậy, để có thêm cơ sở thực tiễn, cơ sở lý luận phục vụ việc nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan tổ chức khảo sát, làm việc với một số cơ quan là đối tượng chịu sự điều chỉnh trực tiếp của dự thảo Luật; tổ chức các cuộc họp với lãnh đạo cơ quan soạn thảo, đại diện Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Viện Nghiên cứu lập pháp, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam để trao đổi, thống nhất nội dung tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, chỉnh lý dự thảo Luật.

          Theo đó, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với dự thảo Luật về việc giữ hệ thống tổ chức cơ quan thanh tra theo cấp hành chính như hiện hành, gồm Thanh tra Chính phủ, thanh tra tỉnh và thanh tra huyện. Nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ cần có giải pháp đổi mới tổ chức, phương thức hoạt động và bố trí số lượng biên chế hợp lý để bảo đảm cho thanh tra huyện có đủ năng lực hoàn thành nhiệm vụ được giao. Một số ý kiến đề nghị không tổ chức hoặc không thành lập thanh tra huyện tại một số đơn vị hành chính cấp huyện có quy mô nhỏ, dân số ít, không có nhiều yêu cầu về thanh tra.

          Thường trực Ủy ban Pháp luật và cơ quan soạn thảo nhận thấy, việc tiếp tục duy trì, củng cố thanh tra huyện để tham mưu, giúp ủy ban nhân dân cùng cấp quản lý nhà nước về công tác thanh tra là cần thiết, bảo đảm cho chính quyền địa phương cấp huyện thực hiện hiệu quả nhiệm vụ theo phân cấp, kịp thời phát hiện sai phạm ngay từ cơ sở; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất về tổ chức với cơ quan thanh tra ở cấp tỉnh và Trung ương. Thanh tra huyện không chỉ thực hiện nhiệm vụ về thanh tra mà còn là đầu mối tổ chức triển khai nhiều nhiệm vụ được giao trong các luật khác. Do đó, Thường trực Ủy ban Pháp luật và cơ quan soạn thảo đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho giữ thanh tra huyện trong hệ thống tổ chức cơ quan thanh tra theo cấp hành chính như Chính phủ đã trình và ý kiến của đa số các vị đại biểu Quốc hội.

          Về việc thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ, nhiều ý kiến tán thành với quy định của dự thảo Luật về thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ; tuy nhiên, đề nghị bổ sung quy định rõ trong Luật tiêu chí, nguyên tắc thành lập. Một số ý kiến đề nghị không thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ, vì việc thành lập tổ chức mới sẽ phát sinh thêm biên chế.

          Về phân định nhiệm vụ, quyền hạn giữa Thanh tra Bộ với Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ, có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị cần phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của Thanh tra Bộ với Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ; quy định Thanh tra Bộ không thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành đối với lĩnh vực do Tổng cục, Cục phụ trách có thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành.

          Đối với việc thành lập cơ quan thanh tra để thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành tại cơ quan thuộc Chính phủ và cơ quan khác của Nhà nước, một số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với dự thảo Luật quy định việc thành lập cơ quan thanh tra tại cơ quan thuộc Chính phủ và cơ quan khác của Nhà nước, nhưng đề nghị quy định cụ thể ngay trong Luật các tiêu chí làm cơ sở để Chính phủ quyết định thành lập. Ngược lại, có ý kiến không tán thành vì cho rằng các cơ quan này không có chức năng quản lý nhà nước, nếu thành lập dễ gây chồng chéo với chức năng thanh tra của cơ quan quản lý nhà nước.

          Một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của các cơ quan, nhất là cơ quan thanh tra và cơ quan kiểm toán để tránh sự chồng chéo, trùng lặp.

           Rà soát lại mối quan hệ giữa cơ quan thanh tra với cơ quan hành chính

          Đồng tình với việc duy trì thanh tra cấp huyện, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương cho biết, qua giám sát cho thấy, trong tổ chức và hoạt động của Thanh tra huyện thời gian qua không phải do thiết chế này không còn phù hợp mà do nhiều nơi thiếu quan tâm về biên chế, đào tạo nguồn nhân lực, chưa được quan tâm bố trí đủ nguồn lực và điều kiện hoạt động để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Nhấn mạnh nguyên lý “nơi nào có cấp hành chính, nơi đó có thanh tra”, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh thêm, ngoài thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, thanh tra huyện còn giúp cấp ủy, chính quyền cùng cấp quản lý nhà nước về công tác thanh tra và thực hiện hiệu quả nhiệm vụ theo phân cấp; tiếp công dân; giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực…

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

           Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu, Ban soạn thảo cần rà soát lại mối quan hệ giữa cơ quan thanh tra cấp huyện, tỉnh với UBND, Chủ tịch UBND cấp huyện, tỉnh; giữa Thanh tra Chính phủ với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong xây dựng, hoàn thiện kết luận thanh tra. “Tính độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ của ngành Thanh tra được quy định ra sao trong dự án luật và giải quyết trong thực tiễn thế nào? Một mặt cần nâng cao trách nhiệm giải trình, nhưng đồng thời phải bảo đảm thời hạn thanh tra, kỷ luật hành chính”, Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề.

           Chủ tịch Quốc hội lưu ý, quy định về cơ cấu tổ chức của ngành Thanh tra trong dự án luật cần tương thích với chủ trương, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về sắp xếp, tinh giản biên chế, bộ máy. Việc ban hành luật cần khắc phục những tồn tại, hạn chế, vướng mắc bất cập nhưng không được làm phát sinh những vấn đề mới.

          Liên quan đến vấn đề này, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, Thanh tra Chính phủ đã phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội để nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh sửa ý kiến của các đại biểu Quốc hội.

         Về quy định sử dụng kinh phí dành cho hoạt động thanh tra, lãnh đạo Thanh tra Chính phủ đề nghị có nghị định, thông tư liên tịch hướng dẫn cụ thể về vấn đề này sau khi dự án luật được thông qua.

        Đối với mối quan hệ giữa thanh tra các cấp với cơ quan hành chính, người đứng đầu cơ quan hành chính ngang cấp, ông Đoàn Hồng Phong cho hay, với các quy định hiện hành, việc lấy ý kiến các cơ quan liên quan trước khi ban hành kết luận thanh tra đang bị kéo dài, dẫn đến có những cuộc thanh tra sau 5-6 năm mới ban hành kết luận nên mất đi tính thời sự. Vì vậy, quy định trong dự án luật đã nêu thời hạn cụ thể của việc ban hành kết luận thanh tra, sau khi gửi dự thảo kết luận thanh tra lấy ý kiến các cơ quan liên quan, qua đó cũng bảo đảm tính độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ của Thanh tra.

          Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị bổ sung quy định cụ thể liên quan đến một số lĩnh vực thanh tra chuyên sâu. Theo đó, bộ quản lý chuyên ngành phải có ý kiến vào dự thảo kết luận thanh tra; giải trình thêm về quy định cơ cấu, tổ chức bộ máy thanh tra trong dự án luật…

NT. Nguồn: Baomoi.com


Nguồn:thanhtra.langson.gov.vn Sao chép liên kết