Cổng thông tin điện tử tỉnh Lạng Sơn

Thanh tra tỉnh Lạng Sơn

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sau chỉnh lý, dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) cơ bản đáp ứng được mục đích, quan điểm đề ra

Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) sau khi được tiếp thu, chỉnh lý đã cơ bản đáp ứng mục đích, quan điểm đề ra trong Tờ trình của Chính phủ, bảo đảm phù hợp với các nội dung tại Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. 

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng: Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) sau khi được tiếp thu, chỉnh lý đã cơ bản đáp ứng mục đích, quan điểm sửa đổi được đề ra trong Tờ trình của Chính phủ - Ảnh: VGP/ĐH

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng: Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) sau khi được tiếp thu, chỉnh lý đã cơ bản đáp ứng mục đích, quan điểm sửa đổi được đề ra trong Tờ trình của Chính phủ - Ảnh: VGP/ĐH

            Tại phiên họp chuyên đề pháp luật diễn ra chiều 17/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Báo cáo một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi).

          Tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022), Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi); đã có 162 lượt ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu thảo luận tại Tổ và Hội trường. Đa số ý kiến tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Thanh tra (sửa đổi) và cơ bản nhất trí với nhiều nội dung chủ yếu của dự thảo Luật.

          Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) hiện được xây dựng với bố cục 8 chương, 117 điều, quy định về tổ chức, hoạt động thanh tra nhà nước. Dự luật quy định rõ mục đích hoạt động thanh tra nhằm phát hiện sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền biện pháp khắc phục; phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật; giúp cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện đúng quy định của pháp luật; phát huy nhân tố tích cực; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

          Báo cáo một số vấn đề về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, ngay sau kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022) của Quốc hội, theo sự chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã chủ trì, phối hợp với Thanh tra Chính phủ và các cơ quan hữu quan tích cực nghiên cứu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.

          Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy, đây là dự án Luật có nội dung phức tạp, liên quan đến tổ chức bộ máy và hoạt động thanh tra trong nhiều ngành, lĩnh vực, địa phương, đồng thời có mối quan hệ mật thiết với nhiều luật khác.

           Vì vậy, để có thêm cơ sở thực tiễn, cơ sở lý luận phục vụ việc nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan tổ chức khảo sát, làm việc với một số cơ quan là đối tượng chịu sự điều chỉnh trực tiếp của dự thảo Luật; tổ chức các cuộc họp với Lãnh đạo cơ quan soạn thảo, đại diện các cơ quan hữu quan để trao đổi, thống nhất nội dung tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, chỉnh lý dự thảo Luật.

           "So với dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3, dự thảo Luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp này đã được chỉnh lý 87/117 điều (80 điều được chỉnh lý về nội dung, 7 điều chỉnh lý về kỹ thuật văn bản); về bố cục, tăng thêm 1 điều và sắp xếp, bố cục lại các điều, mục trong các Chương của dự thảo Luật cho hợp lý. Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý đã cơ bản đáp ứng mục đích, quan điểm sửa đổi được đề ra trong Tờ trình của Chính phủ, bảo đảm phù hợp với các định hướng sửa đổi Luật Thanh tra đã được xác định tại Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV", ông Hoàng Thanh Tùng cho biết.

            Liên quan đến nội dung về hệ thống cơ quan thanh tra theo cấp hành chính (Mục 1, Mục 4 và Mục 6 Chương II), ông Hoàng Thanh Tùng cho biết, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với dự thảo Luật về việc giữ hệ thống tổ chức cơ quan thanh tra theo cấp hành chính như hiện hành, gồm Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tỉnh và Thanh tra huyện; trong đó, nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ cần có giải pháp đổi mới tổ chức, phương thức hoạt động và bố trí số lượng biên chế hợp lý để bảo đảm cho Thanh tra huyện có đủ năng lực hoàn thành nhiệm vụ được giao. Một số ý kiến đề nghị không tổ chức Thanh tra huyện hoặc không thành lập Thanh tra huyện tại một số đơn vị hành chính cấp huyện có quy mô nhỏ, dân số ít, không có nhiều yêu cầu về thanh tra.

          Thường trực Ủy ban Pháp luật và cơ quan soạn thảo nhận thấy, hệ thống tổ chức cơ quan thanh tra theo cấp hành chính như hiện hành trong đó có Thanh tra huyệnđã có quá trình hình thành và phát triển ổn định, lâu dài. Việc tiếp tục duy trì, củng cố Thanh tra huyện để tham mưu, giúp ủy ban nhân dân cùng cấp quản lý nhà nước về công tác thanh tra là cần thiết, bảo đảm cho chính quyền địa phương cấp huyện thực hiện hiệu quả nhiệm vụ theo phân cấp,kịp thời phát hiện sai phạm ngay từ ở cơ sở; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất về tổ chức với cơ quan thanh tra ở cấp tỉnh và Trung ương.

           Thanh tra huyện không chỉ thực hiện nhiệm vụ về thanh tra mà còn là đầu mối tổ chức triển khai nhiều nhiệm vụ được giao trong các luật khác, như Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Phòng, chống tham nhũng… Những bất cập trong tổ chức và hoạt động của Thanh tra huyện thời gian qua không phải do thiết chế này không còn phù hợp mà là do chưa được quan tâm bố trí đủ nguồn lực để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.

            Việc không duy trì Thanh tra huyện tuy giảm được số lượng lớn cơ quan, nhưng sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước trên các địa bàn cấp huyện, nhất là đối với các địa phương có điều kiện kinh tế-xã hội phát triển.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe Báo cáo một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) - Ảnh: VGP/ĐH

          Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe Báo cáo một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo

Luật Thanh tra (sửa đổi) - Ảnh: VGP/ĐH

          Thường trực Ủy ban Pháp luật và cơ quan soạn thảo đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho giữ Thanh tra huyện trong hệ thống tổ chức cơ quan thanh tra theo cấp hành chính như Chính phủ đã trình và ý kiến của đa số các vị đại biểu Quốc hội. Đồng thời, đề nghị Chính phủ sớm có giải pháp căn cơ, đồng bộ để khắc phục những hạn chế, yếu kém trong hoạt động của Thanh tra huyện thời gian qua, trước hết cần khẩn trương kiện toàn tổ chức, biên chế, bảo đảm các điều kiện cần thiết nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động để Thanh tra huyện có đủ năng lực thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.

          Về xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra và giữa hoạt động thanh tra với kiểm tra, kiểm toán, một số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành quy định tại Điều 52 của dự thảo Luật; đồng thời, đề nghị quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của các cơ quan, nhất là cơ quan thanh tra và cơ quan kiểm toán để tránh sự chồng chéo, trùng lặp.

         Liên quan đến nội dung trên, ông Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật và cơ quan soạn thảo đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho tiếp thu ý kiến nêu trên của đại biểu Quốc hội để chỉnh lý, sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm bảo đảm thống nhất với quy định của Luật Kiểm toán nhà nước; khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.

          "Sau khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, Thường trực Ủy ban Pháp luật sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo, Viện Nghiên cứu lập pháp và các cơ quan hữu quan tổ chức một số cuộc hội nghị, tọa đàm, lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, những người hoạt động thực tiễn; tiếp tục khảo sát tại một số địa phương, cơ quan để có thêm thông tin, cơ sở hoàn thiện dự thảo Luật", ông Hoàng Thanh Tùng phát biểu./. 

NT. nguồn: baomoi.com


Nguồn:thanhtra.langson.gov.vn Sao chép liên kết