Thanh tra tỉnh Lạng Sơn triển khai chức năng, nhiệm vụ theo mô hình mới
Thực hiện Kết luận số 134-KL/TW, ngày 28/3/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về Đề án sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; Đề án số 48/ĐA-UBND ngày 12/6/2025 của UBND tỉnh về tổ chức lại Thanh tra tỉnh Lạng Sơn; ngày 30/6/2025, Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn ban hành Quyết định số 45/2025/QĐ-UBND Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra tỉnh Lạng Sơn (Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2025), Thanh tra tỉnh Lạng Sơn chính thức triển khai mô hình tổ chức mới, với vị trí, chức năng là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; thực hiện nhiệm vụ thanh tra trong phạm vi quản lý nhà nước của Ủy ban nhân dân tỉnh; thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực theo quy định của pháp luật.
Theo đó, kết thúc hoạt động của 12 tổ chức thanh tra cấp sở và 11 tổ chức thanh tra cấp huyện, thành phố và tổ chức lại Thanh tra tỉnh. Sau khi tổ chức lại, cơ cấu tổ chức của Thanh tra tỉnh gồm: Chánh Thanh tra, 03 Phó Chánh Thanh tra và 09 phòng trực thuộc (Văn phòng và 08 phòng nghiệp vụ), với tổng biên chế được UBND tỉnh giao là 100 công chức.
Tập thể cán bộ, công chức Thanh tra tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ mới
Chức năng, nhiệm vụ của các phòng trực thuộc cụ thể như sau:
(1) Văn phòng: Tham mưu công tác tổ chức cán bộ, hành chính - quản trị, tài chính - kế toán, tổng hợp báo cáo, thi đua - khen thưởng, cải cách hành chính, ứng dụng CNTT và đối ngoại của cơ quan.
(2) Phòng Thanh tra phòng, chống tham nhũng, lãng phí tiêu cực: Tham mưu trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của UBND tỉnh; kiểm soát tài sản, thu nhập và kiến nghị biện pháp phòng ngừa.
(3) Phòng Giám sát, Thẩm định và Xử lý sau thanh tra: Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra; thẩm định dự thảo kết luận thanh tra; xử lý sau thanh tra.
(4) Các Phòng Nghiệp vụ: I; II; III; IV; V; VI: Tham mưu về công tác thanh tra; giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Ủy ban nhân dân tỉnh; tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đối với địa bàn, lĩnh vực được giao theo dõi, phụ trách.
Việc triển khai mô hình tổ chức mới nhằm mục tiêu tinh gọn đầu mối, thống nhất quản lý, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, đảm bảo tính độc lập trong thực thi công vụ, góp phần phục vụ tốt công tác quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.
Trần Thị Duyên
Phòng Nghiệp vụ IV - Thanh tra Tỉnh