Cổng thông tin điện tử tỉnh Lạng Sơn

Thanh tra tỉnh Lạng Sơn

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhiều điểm sáng trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

(ThanhtraVietNam) - Công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) của Bộ Tài chính đã có những chuyển biến tích cực trong hành động và nhận thức của cán bộ, công chức, đã thu được những kết quả quan trọng, từng bước ngăn chặn, đẩy lùi các hành vi tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; đáp ứng kịp thời, hiệu quả theo yêu cầu chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.

Chuyển biến trong nhận thức và hành động đối với công tác PCTN

Theo Bộ Tài chính, Bộ thường xuyên thực hiện rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các định mức, tiêu chuẩn trong phạm vi chức năng quản lý nhà nước; tăng cường hoàn thiện các quy chế đảm bảo thực hiện nghiêm, đầy đủ các quy định của Nhà nước trong quản lý, sử dụng Ngân sách Nhà nước (NSNN), quản lý mua sắm sử dụng tài sản công, công tác đầu tư xây dựng cơ bản, chế độ hội họp, chi tiêu nội bộ nhằm ngăn chặn, phòng ngừa và chống tham nhũng trong hoạt động quản lý tài chính ngân sách và quản lý nội ngành.

Kết quả, trong 6 tháng đầu năm 2022, Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo, trình Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ ban hành 11 Nghị định, 03 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, Bộ Tài chính ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền và liên tịch là 46 văn bản (trong đó: ban hành mới 30 văn bản; sửa đổi, bổ sung 16 văn bản).

Các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Bộ Tài chính đều xây dựng và triển khai thực hiện nghiêm quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp nhằm giúp cho cán bộ, công chức chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật khi thực hiện nhiệm vụ, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực.

Một trong những đơn vị đi đầu trong ngành, Tổng cục Hải quan đã triển khai hệ thống Camera giám sát và Phòng giám sát hải quan trực tuyến cho phép giám sát quá trình làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa, phương tiện xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh đồng thời kiểm soát, ngăn chặn kịp thời hành vi tiêu cực của công chức hải quan; thiết lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh về các biểu hiện gây phiền hà, tiêu cực của công chức hải quan để có biện pháp xử lý kiên quyết, triệt để…

Cũng theo Bộ Tài chính, toàn ngành Tài chính đã tiến hành kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức tại 433 đơn vị. Kết quả cán bộ, công chức đều nghiêm túc chấp hành đúng quy định trong thực thi công vụ, không có thái độ cửa quyền, hách dịch gây phiền hà cho đơn vị. Đồng thời, Bộ đã thực hiện luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác đối với 2.738 người. Việc chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức nhằm phòng ngừa tham nhũng đã được các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Bộ Tài chính thực hiện nghiêm túc, đúng quy định.

Bộ Tài chính xác định công tác cải cách hành chính là một trong những giải pháp hàng đầu, đóng vai trò thúc đẩy hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng kinh tế, phát triển của ngành năm 2022. Theo đó, đã xây dựng và ban hành Kế hoạch cải cách hành chính năm 2022 với những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng nhằm tiếp tục đẩy mạnh và triển khai có hiệu quả công tác cải cách hành chính. Kế hoạch cải cách hành chính năm 2022 của Bộ Tài chính đã bám sát 07 nội dung của công tác cải cách hành chính, đề ra 63 nhóm nhiệm vụ với 159 sản phẩm/hoạt động đầu ra cụ thể, xác định rõ căn cứ, trách nhiệm của từng đơn vị chủ trì, phối hợp cũng như tiến độ rõ ràng.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện kiểm soát chặt chẽ các thủ tục hành chính (TTHC) thuộc phạm vi thẩm quyền quản lý nhằm mục tiêu cải cách TTHC một cách toàn diện và hiệu quả, thực hiện tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Bộ Tài chính thường xuyên rà soát, đánh giá TTHC nhằm đề xuất bãi bỏ những TTHC không còn phù hợp hoặc sửa đổi theo hướng cụ thể, rõ ràng, đơn giản, tăng tính khả thi cho cá nhân, tổ chức thực hiện.

/upload/105381/20231214/0c9a5706ee903ec9dfe8ba6bfad18bed709019-b-t-i-ch-nh.jpg_dpi%3D150_quality%3D100_w%3D780.jpg

Ảnh minh họa. Nguồn: noichinh.vn

Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, PCTN

Cũng trong 6 tháng đầu năm 2022, Bộ Tài chính đã thực hiện 03 cuộc thanh tra hành chính (trong đó: 02 cuộc triển khai theo kế hoạch, 01 cuộc đột xuất thực hiện theo chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ). Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra nội bộ tại các đơn vị, góp phần ngăn ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức và người lao động trong toàn ngành.

Qua đó, toàn ngành Tài chính đã thực hiện 491 cuộc kiểm tra nội bộ, qua kiểm tra đã phát hiện và kiến nghị xử lý tài chính 8.644 triệu đồng (trong đó: kiến nghị thu nộp NSNN 8.628 triệu đồng, kiến nghị xử lý khác là 15 triệu đồng); số tiền đã thu nộp NSNN là 13.752 triệu đồng (bao gồm số thu lũy kế của các kiến nghị trước); đồng thời kiến nghị xử lý hành chính đối với 32 tổ chức và 152 cá nhân, trong đó đã xử lý kiểm điểm rút kinh nghiệm 108 người.

Nhìn chung, Bộ Tài chính tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện nghiêm các quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, tập trung vào lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra tham nhũng như: Thuế, Hải quan, công tác tổ chức cán bộ, mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công, dự toán, quyết toán ngân sách hàng năm, công khai số liệu về nợ công, công tác thanh tra, kiểm tra… trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Tài chính và các hình thức công khai khác theo quy định của Luật PCTN.

Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công cuộc đấu tranh PCTN, khắc phục những hạn chế, yếu kém để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, thực sự ngăn chặn, đẩy lùi được tệ nạn tham nhũng, trong thời gian tới Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện quyết liệt một số nhiệm vụ trọng tâm:

Bộ Tài chính sẽ đẩy mạnh việc rà soát để đề xuất, kiến nghị với các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội có liên quan đến các lĩnh vực, chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ Tài chính, nhất là với các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng như: quản lý, sử dụng tài sản công; quản lý, sử dụng vốn đầu tư công; quản lý, sử dụng kinh phí NSNN.

Cùng với đó, chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng chống tham nhũng. Và đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra công vụ để kịp thời chấn chỉnh các vi phạm, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với công chức, viên chức vi phạm quy chế, quy trình nghiệp vụ, quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp, nhũng nhiễu, thờ ơ, vô cảm trong quá trình thực thi công vụ.

Tăng cường kiểm tra, giám sát người đứng đầu đơn vị trong việc thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao, việc thực hiện các kết luận, chấn chỉnh sau thanh tra, kiểm tra, việc thực hiện các quy định, quy chế về công tác tổ chức cán bộ, nhất là trong việc tuyển dụng, tiếp nhận, bổ nhiệm và luân chuyển cán bộ. Kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với Thủ trưởng các đơn vị để xảy ra sai phạm, cá nhân công chức có biểu hiện chuyên quyền, độc đoán, thiếu dân chủ và có sai phạm trong công tác quản lý cán bộ.

ĐT. nguồn: thanhtravietnam.vn


Nguồn:thanhtra.langson.gov.vn Sao chép liên kết