Cổng thông tin điện tử tỉnh Lạng Sơn

Thanh tra tỉnh Lạng Sơn

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khi tinh thần trách nhiệm, vì người dân, vì việc chung được đặt lên hàng đầu

Đúng như lời hứa với Thanh tra Chính phủ, sau 15 ngày, UBND tỉnh Lạng Sơn đã hoàn thành và kết nối trực tuyến với Trụ sở Tiếp công dân Trung ương (TCDTW) tại thành phố Hà Nội để Trụ sở TCDTW cùng tham gia buổi tiếp dân định kỳ của Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn tháng 8/2024.

Chủ tịch UBND tỉnh Lạng sơn tiếp công dân định kỳ tháng 8/2024

Sáng ngày 15/8, thực hiện quy định của Luật Tiếp công dân, đồng chí Hồ Tiến Thiệu Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn đã tiếp công dân định kỳ tháng 8/2024 tại Trụ sở TCD tỉnh. Cùng gia buổi tiếp có đại diện lãnh đạo sở, ban, ngành và địa phương có liên quan.

Đặc biệt, với buổi tiếp dân định kỳ lần này, có sự tham gia của Phó Trưởng ban Tiếp công dân Trung ương (TCDTW) Bùi Hồng Mạnh, đại diện phòng Tiếp công dân 1, phòng Tổng hợp - Ban TCDTW từ điểm cầu Trụ sở TCDTW tại thành phố Hà Nội theo hình thức trực tuyến.

 Toàn cảnh buổi tiếp công dân định kỳ của Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn tại Trụ sở TCD Tỉnh

Sau khi quán triệt nội quy buổi tiếp, dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, với sự thẳng thắn, cầu thị, “nói hết”, “trình bày hết” và trên hết là tinh thần lắng nghe, chia sẻ, đi đến cùng vấn đề trước các nội dung công dân kiến nghị, phản ánh để chỉ đạo sở, ngành, địa phương, các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của của công dân và kỷ cương, kỷ luật của cơ quan hành chính nhà nước, vì sự hài lòng của người dân, vì người dân phục vụ.

Trên cơ sở ý kiến phát biểu của đại diện sở, ngành, địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn đã kết luận đối với từng vụ việc và yêu cầu việc giải quyết phải đúng quy định của pháp luật, công khai, minh bạch, có kết quả cụ thể, thời gian cụ thể, đã nói là làm, đã hứa là phải thực hiện, “không hứa rồi để đó”, báo cáo Chủ tịch UBND Tỉnh về kết quả thực hiện.

Ở vụ việc thứ nhất, Ông Phạm Văn Vượng, vợ là bà Chu Thị Liên, địa chỉ: thôn Bản Viển, xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn, trình bày: gia đình bị ảnh hưởng dự án Khu đô thị Nam Hoàng Đồng I, thành phố Lạng Sơn, được giao 01 ô tái định cư và phải nộp tiền sử dụng đất (giá 4.600.000 đồng/1m2); ông đã có đơn gửi UBND thành phố xem xét miễn giảm tiền sử dụng đất cho ông vì là thân nhân liệt sỹ.

Chủ tịch UBND tỉnh kết luận, trường hợp của gia đình ông, bà không đủ điều kiện được giao đất tái định cư do gia đình xây dựng nhà trên đất nông nghiệp, bị thu hồi đất gắn liền với nhà ở nhưng không đủ điều kiện bồi thường về đất ở. Tuy nhiên xét điều kiện hoàn cảnh của gia đình, UBND thành phố Lạng Sơn đã căn cứ vào các quy định của pháp luật báo cáo UBND tỉnh đồng ý hỗ trợ cho gia đình 01 ô đất tái định cư theo trường hợp khác. Giá thu tiền sử dụng đất bằng giá đất quy định tại khu tái định cư nhân với hệ số K = 1,2, áp dụng theo quy định tại khoản 2, Điều 19 Quyết định số 07/2021/QĐ-UBND.

Pháp luật về đất đai hiện hành không có quy định về miễn, giảm tiền sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân được hỗ trợ bố trí giao đất tái định cư. Nếu gia đình không đồng ý với nội dung trả lời của UBND thành phố Lạng Sơn thì gia đình trình bày bằng đơn khiếu nại, gửi Chủ tịch UBND thành phố Lạng Sơn để được giải quyết theo quy định của Luật Khiếu nại.

 Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu chủ trì buổi tiếp công dân định kỳ tháng 8/2024

Ở vụ việc thứ hai, bà Đặng Thị Bích, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Bích Ngọc (địa chỉ: số 134, đường Trần Phú, khối 6, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn), trình bày: đất của Công ty bị ảnh hưởng dự án Khu đô thị Phú Lộc IV, Công ty nhiều lần có đơn đề nghị trả lại phần diện tích đất xen kẹp cho Công ty, nhưng đến nay chưa được giải quyết. Đề nghị chỉ đạo giải quyết trả lại phần diện tích đất xen kẹp cho Công ty, nếu không được thì trả lại 500m2 đất đã thu hồi của Công ty hoặc bố trí đất tại vị trí khác cho Công ty.

Chủ tịch UBND tỉnh kết luận, về kiến nghị trả lại phần diện tích đất xen kẹp: theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và theo quy hoạch của dự án Khu đô thị Phú Lộc IV thì phần đất của Công ty là đất ở, pháp luật về đất đai hiện hành không quy định giao đất ở cho Công ty, do đó nội dung kiến nghị của Công ty không có cơ sở để giải quyết.

Yêu cầu UBND thành phố Lạng Sơn rà soát, giải quyết đơn kiến nghị của Công ty theo đúng quy định của pháp luật. Giao UBND thành phố Lạng Sơn và các Sở, ngành liên quan thực hiện thu hồi đất để thực hiện dự án theo đúng quy hoạch được phê duyệt, giải quyết các quyền lợi của Công ty TNHH Thương mại Bích Ngọc, tổ chức họp bàn để có lộ trình, tiến độ, phương án cụ thể khi thu hồi đất của Công ty.

Ở vụ việc thứ ba, bà Nguyễn Thị Bích, trú tại tổ 7, khối 6, phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn (được bà Nguyễn Thị Yến, trú tại số 660 đường Bà Triệu, khối 9, phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn ủy quyền); bà Đỗ Thị Hà (con gái bà Yến), trình bày: gia đình bà Yến bị thu hồi đất để thực hiện dự án Cải tạo, mở rộng đường Bà Triệu, diện tích đất sau khi thu hồi còn rất ít, gia đình có nhiều thế hệ với 12 nhân khẩu cùng sinh sống, hoàn cảnh khó khăn và UBND thành phố đã điều tra gia đình bị thu hồi 30m2 đất mặt đường. Đề nghị xem xét hỗ trợ khác cho gia đình 01 ô đất tái định cư theo quy định khoản 1, khoản 2 Điều 6 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP.

Liên quan tới việc này, Chủ tịch UBND tỉnh đã thụ lý giải quyết khiếu nại (lần hai) của bà Yến và giao Thanh tra tỉnh xác minh nội dung khiếu nại theo thời hạn, đề nghị bà Nguyễn Thị Bích chờ kết quả.

Chánh Thanh tra tỉnh Lạng Sơn Đậu Trường An phát biểu ý kiến tại buổi tiếp dân định kỳ 

Vụ việc thứ tư mà Chủ tịch UBND tỉnh tiếp đó là vụ việc của bà Nguyễn Thị Bích, trú tại tổ 7, khối 6, phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn, trình bày: gia đình bà đang sử dụng thửa đất số 241, tờ bản đồ số 18, bản đồ địa chính xã Mai Pha, diện tích 530m2; bà đã nộp hồ sơ lên UBND thành phố Lạng Sơn để xin chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở, được thành phố trả lời không đủ điều kiện vì nằm trong dự án Khu đô thị mới Mai Pha, bà không đồng ý vì còn hơn 200m2 đất không nằm trong quy hoạch dự án. Đề nghị chỉ đạo UBND thành phố giải quyết cho gia đình bà được thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất để gia đình làm nhà ở.

Theo đó, phần đất gia đình bà Bích đề nghị, có 275,3 m2 đã có Thông báo thu hồi để thực hiện dự án: Khu đô thị mới Mai Pha, thành phố Lạng Sơn; một phần diện tích đất còn lại nằm trong quy hoạch dự án Khu đô thị sinh thái Nà Chuông - Bình Cằm, tuy nhiên dự án Khu đô thị sinh thái Nà Chuông - Bình Cằm chưa được phê duyệt, chưa lựa chọn nhà đầu tư... do đó Chủ tịch UBND tỉnh giao UBND thành phố kiểm tra, làm rõ và hướng dẫn gia đình bà Bích thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định pháp luật.

Cuối cùng, vụ việc thứ 5 là Bà Lộc Thị Tầu, địa chỉ thôn Bản Luồng, xã Tú Mịch, huyện Lộc Bình đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết các vụ việc liên quan khu đất của gia đình theo quy định của pháp luật, trả lại đất và bồi thường thiệt hại cho bà; tố cáo, phản ánh Chủ tịch UBND xã, công chức UBND xã Tú Mịch thực hiện không đúng chức trách nhiệm vụ, văn hóa công sở, không giải quyết các kiến nghị của bà. 

Ở vụ việc này, Chủ tịch UBND tỉnh kết luận, 08 vụ việc tranh chấp đất đai của bà Lộc Thị Tầu với Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lộc Bình, với một số hộ dân tại thôn Bản Luồng, xã Tú Mịch, thẩm quyền giải quyết là Tòa án nhân dân. Đề nghị bà Lộc Thị Tầu thực hiện theo hướng dẫn của UBND huyện Lộc Bình, gửi đơn đến Tòa án nhân dân để được giải quyết theo đúng thẩm quyền quy định.

 

Riêng đối với tố cáo, phản ánh Chủ tịch UBND xã, công chức của UBND xã Tú Mịch, Chủ tịch UBND tỉnh đã hướng dẫn bà Tầu về thẩm quyền giải quyết và chỉ đạo UBND huyện Lộc Bình, UBND xã Tú Mịch giải quyết theo thẩm quyền. Đề nghị bà Tầu phối hợp với các cơ quan chức năng của UBND huyện Lộc Bình, UBND xã Tú Mịch để được kiểm tra, giải quyết theo quy định pháp luật.

 

Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh đã giải thích, hướng dẫn bà Tầu về các vụ việc bà đề nghị, nếu bà Tầu không cung cấp được tài liệu, chứng cứ nào mới thì sẽ từ chối tiếp công dân đối với bà Tầu. Giao Ban Tiếp công dân tham mưu từ chối tiếp công dân đối với bà Tầu theo quy định của pháp luật.

 

 Phó Trưởng ban TCDTW Bùi Hồng Mạnh cùng tham gia tiếp công dân trực tuyến từ điểm cầu Trụ sở TCDTW tại thành phố Hà Nội

Từ điểm cầu Trụ sở TCDTW tại thành phố Hà Nội, phát biểu ý kiến, ông Bùi Hồng Mạnh, Phó Trưởng ban TCDTW, cùng với các địa phương: Quảng Ninh, Lào Cai, Thái Nguyên,… tỉnh Lạng Sơn đã tích cực, chủ động triển khai thực hiện Mô hình TCD trực tuyến và kết nối sớm với Trụ sở TCDTW, đây chính là sự quan tâm của lãnh đạo UBND tỉnh Lạng Sơn trong việc khẩn trương thực hiện hiệu quả ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tổng Thanh tra Chính phủ về việc triển khai TCD trực tuyến. Cùng với việc sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về TCD, giải quyết KNTC và đưa Mô hình TCD trực tuyến vào hoạt động chính là thực hiện cải cách hành chính, chuyển đổi số nền hành chính trong tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số để nâng cao chất lượng hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước, vì sự thuận lợi của người dân, phục vụ người dân được tốt hơn. 

 Ảnh chụp từ điểm cầu Trụ sở TCDTW tại thành phố Hà Nội

Sau khi đã “thông cầu”, Phó Trưởng ban TCDTW đề nghị tỉnh Lạng Sơn và các công dân tích cực phổ biến, tuyên truyền về hiệu quả của Mô hình TCD này để đông đảo người dân tỉnh mình được biết. Khi có yêu cầu, bà con thông qua Ban TCD tỉnh, đề nghị được Trụ sở TCDTW tiếp, đối thoại với bà con, Trụ sở TCDTW luôn sẵn sàng. “Với mô hình này, công dân không phải di chuyển từ Lạng Sơn xuống Hà Nội để được Trưởng ban TCDTW và đại diện các cơ quan Trung ương tại Trụ sở TCDTW tiếp, chúng ta chỉ cần đến Trụ sở TCD tỉnh là xong”, bà con chúng ta không phải di chuyển nhiều, vất vả, mệt mỏi.

Phó Trưởng ban TCDTW cũng đề nghị bà con, khi đến Trụ sở TCD, bà con cần tuân thủ nội quy, quy chế tại nơi tiếp dân, trình bày nội dung ngắn gọn, rõ ràng, bà con càng phối hợp, chia sẻ với cán bộ tiếp dân bao nhiêu thì anh chị em làm nhiệm vụ tiếp dân càng lắng nghe bà con được nhiều hơn, chia sẻ và hướng dẫn nhiều hơn, hiệu quả hơn.

Quyết tâm thực hiện “lời hứa” với Tổng Thanh tra Chính phủ

Trước đó, ngày 24/5/2024, Thanh tra Chính phủ đã có Văn bản 1580/TTCP-BTCDTW gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương liên quan đến thực hiện Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Văn bản 723/TB- TTKQH ngày 19/02/2022 của Tổng Thư ký Quốc hội và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản 1291/VPCP-QHĐP ngày 28/02/2022 về Mô hình Tiếp công dân trực tuyến.

Trưởng ban TCDTW Nguyễn Hồng Điệp cho biết, Mô hình Tiếp công dân trực tuyến nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác Tiếp công dân, đáp ứng trong điều kiện xã hội có dịch bệnh cũng như trong điều kiện xã hội bình thường, nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác đối thoại, giải quyết khiếu nại, tố cáo, hạn chế tỉnh trạng khiếu kiện đông người, vượt cấp, phức tạp, mất an ninh, trật tự, tập trung tại các cơ quan Trung ương, đảm bảo thuận lợi, tiết kiệm nhân lực, thời gian, chỉ phí cho công tác Tiếp công dân và người dân.

Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan Tiếp công dân từ Trung ương đến địa phương; nâng cao hiệu quả, tạo sự thống nhất trong tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan có thẩm quyền các cấp.

Trưởng ban TCDTW đề nghị, các địa phương chủ động xây dựng Mô hình Tiếp công dân trực tuyến của địa phương (có thể tham khảo Mô hình của Thanh tra Chính phủ), Trụ sở TCDTW sẵn sàng hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ trong việc xây dựng, triển khai Mô hình và kết nối giữa Trụ sở TCDTW tại thành phố Hà Nối với Trụ sở TCD cấp tỉnh để Trụ sở TCDTW cùng tham gia tiếp công dân tại ngày tiếp dân định kỳ của đồng chí Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố. Đặc biệt, thông qua Mô hình này, lãnh đạo Thanh tra Chính phủ, Trưởng ban TCDTW có thể cùng tham gia đối thoại, tiếp, vận động công dân khi công dân ở địa phương, hạn chế tình trạng người dân kéo về Thủ đô Hà Nội để khiếu kiện, nguy cơ gây mất an ninh, trật tự, điều này càng có ý nghĩa khi sự kiến chính trị đặc biệt quan trọng là Đại hội đảng các cấp, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV đang đến gần.

 Trưởng ban TCDTW Nguyễn Hồng Điệp phát biểu khi kiểm tra công tác phối hợp tiếp công dân phục vụ Đại hội Đảng tại tỉnh Bình Phước

Nhấn mạnh thêm, Trưởng ban TCTDW cho rằng, “không có việc gì khó” nếu chúng ta quyết tâm, “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, đặt lợi ích của địa phương, của người dân lên trên hết, trước hết, tất cả vì việc chung, chúng ta sẽ làm được. Điển hình từ việc kết nối trực tuyến để thực hiện tiếp công dân ngày hôm nay với tỉnh Lạng Sơn, lãnh đạo UBND Tỉnh rất cầu thị, quyết tâm, “đã nói là làm”, “đã hứa là thực hiện”, sau 15 ngày, mô hình của Tỉnh đã hoàn chỉnh và đi vào hoạt động trơn tru, thông suốt, đem lại hiệu quả thiết thực cho công tác TCD nói riêng và TCD, giải quyết KNTC nói chung.

Với việc tham gia phối hợp tiếp công dân lần này, Trưởng ban TCDTW cũng đề nghị Chủ tịch tỉnh Lạng Sơn “thường xuyên”, “tích cực” mời Trụ sở TCDTW cùng tham gia tiếp dân, đối thoại với lãnh đạo UBND Tỉnh, đặc biệt là những vụ việc đông người, phức tạp, “khó”,… mà địa phương cần ý kiến của các cơ quan Trung ương. Trưởng ban TCDTW cũng trân trọng cảm ơn đồng chí Chủ tịch UBND Lạng Sơn đã quan tâm chỉ đạo và thực hiện triển khai, kết nối Mô hình, kết quả này giúp cho lời hứa của Trụ sở TCDTW, của Ban TCDTW với đồng chí Đoàn Hồng Phong, Tổng Thanh tra Chính phủ dần về đích, đó là “Thực hiện thí điểm Mô hình Tiếp công dân trực tuyến trong năm 2024, đi vào hoạt động đại trà từ năm 2025 với kết nối thông suốt từ điểm cầu trung tâm Trụ sở TCDTW với 63 điểm cầu Trụ sở TCD các tỉnh, thành phố, góp phần tăng hiệu lực, hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo”./. 

Nguồn:thanhtravietnam.vn